Khi người dạy võ xa rời con đường võ đạo mà chạy theo sự sa thóa của một nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh và nhiều ma lực. Liệu cái đạo của người dạy võ có còn được giữ gìn nguyên vẹn?

Trong những năm kinh tế còn chưa phát triển, cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, thì những người dạy võ lại chú tâm vào việc rèn người cho thế hệ mai sau. Lúc bấy giờ các loại hình thi đấu võ thuật còn hết sức hiếm hoi. Người học võ thường chỉ mang quan niệm “học võ để tự vệ”. Trong một vài đơn vị tập thể mang tính đặc thù thì tập luyện võ thuật để phục vụ công việc.

Nhưng dù là người học võ hay người dạy võ cũng đều học và dạy theo cái tâm và sở nguyện trong sáng của mình, không hề đặt nặng thành tích hoặc vụ lợi trong công việc này.

Người dạy võ vốn được rèn tâm luyện chí theo nề nếp xưa. Lấy cái đạo làm đầu, lấy việc trưởng thượng làm cốt cán để rèn luyện không màn danh lợi, xả thân vì việc nghĩa. Tinh thần thượng võ ngút ngàn. Người biết võ càng cao lại càng tìm cách “dấu mình” không khoe khoang khoát lác….

Vào khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. cùng với sự thông thoáng về kinh tế, thì võ thuật cũng bắt đầu chuyển mình bước sang một lĩnh vực khác: cạnh tranh và thương mại!

Lúc này người học võ chỉ muốn làm sao và bằng con đường nào tiến lên bục vinh quang nhanh nhất, thu hoạch được nhiều huy chương nhất…Còn người dạy võ cũng bị xã hội hóa mà cuốn theo trào lưu dạy võ thương mại. Bởi lẽ, học trò được thành tích cũng đồng nghĩa với thầy đựợc hưởng cả danh và lợi để bù vào công sức đã bỏ ra.

Và như vậy cả thầy và trò chuyên chú luyện tập những đòn những thế cốt sao cho lúc lên sàn đấu đem lại chiến thắng nhanh nhất. Còn đạo lý của người dụng võ ư? Không còn phù hợp nữa rồi!

Chính cái tâm hừng hực khát khao chiến thắng đã biến cả người dạy võ và người học võ trở nên hiếu chiến và hiếu thắng! Thậm chí còn bất chấp cả môn quy và tôn chỉ của môn phái đã quy định như không được thượng đài, không tranh hơn thua với người khác….họ không phân biệt được đâu là hình thức giao lưu học tập trên thảm đấu và đâu là hình thức thượng đài (từ Hán Việt) theo đúng nghĩa của nó! Biểu hiện háo thắng là những cử chỉ hợm hĩnh của người võ sỹ trên đường bước lên sàn đài, vừa đi vừa khua tay múa chân, cái đầu lắc lư…

Bên cạnh đó, một số đội vì khao khát thành tích đã bất chấp quy định của giải, bỏ tiền thuê mướn một số võ sĩ của môn võ khác đem về đấu cho đội mình, cốt sao có được huy chương! Xét cho cùng thì những tấm huy chương đã đạt được theo kiểu đó chẳng mang lại ý nghĩa cao thượng nào trong một trận đấu võ, mà còn nảy sinh những thái độ tiêu cực khác, đồng thời tập cho người võ sỹ ngày càng mang tính hiếu thắng hơn và đó chỉ là chiếc vỏ bọc thô thiển của người hành võ.

Trước đây việc học võ chỉ cốt tự vệ và chiến đấu, vì vậy mỗi miếng đòn đều có thể mang tính quyết định, mang tính kết thúc và hết sức nguy hiểm nếu đối phương không trở tay kịp, thầy dạy miếng đánh càng hiểm hóc càng trở nên bí quyết để định đoạt một trận đấu nếu như bất đắc dĩ phải dụng võ. Đòn đánh không ai cho là phạm luật và trận đấu không hề có “trọng tài”, người luôn kịp thời nhảy vào giữa trận đấu và sẵn sàng chỉ tay vào mặt đấu thủ để ra hiệu lệnh phạm luật, truất quyền thi đấu! cho nên người học võ thả sức mang hết sở học của mình để chiến đấu cho mục đích chính đáng của họ.

Hình thức đối kháng là bài tập thực tế cho phần lý thuyết kỹ thuật, song có nhiều cách chọn lựa để tập cho người học võ làm quen với kỹ năng tự vệ, chiến đấu khi đi vào thực tế, chứ không nhất thiết phải đối kháng theo kiểu quyền Anh tự do hiện nay đang rất phỏ biến. Bởi lẽ hình thức này rất xa rời thực tế và hạn chế việc phát huy những đòn đánh kỹ thuật. Nếu chỉ chú tâm vào đối kháng thì người học võ không cần tốn nhiều thời gian để đeo đuổi chương trình nhiều năm liền mà chỉ cần tập nhuần nhuyễn vài ba lối đấm, vài ba lối đá cộng với luyện thể lực thật tốt là có thể trở thành một đấu thủ trên sàn đài. Qua đó người võ sỹ sẽ thu thập kinh nghiệm dần dần sau nhiều trận tỷ vỏ kiểu này để đạt tới đỉnh cao của đối kháng thể thao.

Rồi các võ sĩ này sẽ thành phản xạ quen thuộc với những đòn đánh mang tính quy tắc nên phản ứng cuối cùng của họ khi gặp tình thế chiến đấu thực tế đã không giữ được bình tĩnh dẫn tới việc sử dụng hung khí, cuối cùng gây ra án mạng để rồi ân hận khi từng ngày ngồi bóc lịch trong trại giam! Một số khác thì sử dụng võ thuật như một công cụ để làm chuyện bất minh, trái với đạo lý và pháp luật.

Thời gian gần đây không ít những thông tin về các “cao thủ võ thuật” sử dụng võ để làm chuyện phi pháp đã mang lại nhiều bức xúc cho những người dạy võ và người học võ chuyên chính.

Tất nhiên hậu quả khôn lường đối với không chỉ người học võ mà còn đem lại sự hổ thẹn cho người dạy võ nữa, bởi họ nhìn lại mới thấy mình thiếu sót vì không đem cái đạo lý của người biết võ làm đầu mà chỉ chạy theo cái bả lợi danh.

Những lỗi lầm như thế thuộc về ai? Người học võ thì bảo: “thầy không dạy lấy gì học! còn người dạy võ thì bảo: người ta đóng tiền là để học…võ!”

Cuối cùng, chuyện người dạy võ không đem võ đạo mà dạy học trò đã mang lại ít nhiều những hành vi phản đạo đức gây bức xúc trong dư luận và những người mang sứ mệnh cao cả.

Mong rằng những người dạy võ nên xác định mục tiêu có nên chạy theo hình thức để rồi phá vỡ những quy tắc cao đẹp của võ thuật chân chính hay không? Xã hội sẽ trở nên phức tạp hơn, rắc rối hơn nếu như cứ hành võ theo kiểu “võ biền” như thế.

Võ sư Châu Minh

Nguon: http://vothuat.co/khi-nguoi-day-vo-bo-quen-vo-dao.html