ĐÔI NÉT VỀ VÕ ÁO VẢI

1. Nguồn gốc Võ Áo Vải

Dân tộc Việt Nam có lịch sử lâu đời, trải qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước thật không dễ dàng. Từ những cuộc đấu tranh mở mang bờ cõi, đến việc chống ngoại xâm, đời nào cũng có anh tài hào kiệt xuất hiện khắp nơi. Các môn võ , bài võ cổ đã lưu truyền ẩn hiện trong dân gian, trong các dòng họ. Qua thời gian trau dồi tập luyện, sáng tạo, giao lưu, tiếp thụ những tinh hoa của môn võ các dân tộc khác mà hình thành nên những đặc điểm riêng biệt phù hợp với thể tạng và tầm vóc của người Việt Nam: võ dân gian- Võ của tầng lớp áo vải Việt Nam.

Không chỉ trong các cuộc đấu tranh, dân tộc Việt Nam mới rèn luyện võ thuật mà ngay cả trong thời bình cũng hăng say tập luyện quyền cước. Năm 1835, vua Minh Mạng dụ rằng: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên… Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược, huống chi triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài…”. Sau Chiếu dụ, bênh cạnh Văn Miếu, việc xây dựng Võ Miếu nhằm tôn vinh võ học Việt Nam càng khích lệ việc học tập cả văn lẫn võ. Hàng vạn người dân tập luyện võ thuật bởi sự ủng hộ của triều đình, khuyến khích nhân tài. Bên cạnh người mưu cầu công danh, ra làm quan cho triều đình, không ít người muốn đạt đến cảnh giới cho riêng mình bèn tìm đến thế ngoại đào nhân để rồi trở thành những Ẩn sĩ, như Sư tổ của chúng tôi. Tất cả đều rèn luyện căn bản từ môn võ dân gian, để rồi từ đó phát triển lên các chiêu thức ảo diệu, các đòn đánh nổi tiếng theo đặc điểm thể chất và tính cách của riêng mỗi người.

Do vậy, Võ Áo Vải tuy tên mới, nhưng chất của cổ nhân truyền lại qua bao đời dân tộc Việt Nam đã được kiểm nghiệm qua lịch sử là minh chứng hùng thiêng.

2. Tên gọi Võ Áo Vải

Trước tiên, chúng tôi xin lỗi quý vị rằng vì những lý do tế nhị, nên danh tánh của Sư tổ là không được phép tiết lộ. Sư tổ đã viên tịch, chúng tôi những mong hương hồn Người được yên nghỉ nơi chín suối, không dám mạo phạm; cũng như cuộc đời của Ngài vốn là một ẩn sĩ, mai danh ẩn tích, vì những lẽ trên nên chúng tôi không tiết lộ danh xưng. Mong quý vị lượng thứ.

Những người học võ ngày xưa phần nhiều thô lỗ, chất phác, không phải là kẻ văn nhân, lại chẳng có sách vở ghi chép về hệ thống võ học. Sư tổ lại dạy theo phương pháp cổ truyền, tức truyền miệng, nên việc hệ thống hóa lại võ học của Người sau này gặp không ít khó khăn.

Từ năm 1985 đến nay, việc truyền bá hầu như rất ít, bởi những ràng buộc về giáo điều, tên gọi và nguồn gốc danh xưng. Do vậy chỉ mật truyền cho một số người có duyên, và căn cơ. Theo thời gian, cũng không còn mấy ai nhớ đến. Võ Áo Vải dần dần đi vào quên lãng giống như người Ẩn Sĩ năm xưa. Trước tình cảnh ấy, chúng tôi-nhưng môn đồ của Tổ sư không khỏi đau xót khi Võ Áo Vải đang đứng trước tình thế thất truyền.

Vì những lẽ trên, nhằm truyền bá tinh thần võ học của Tổ sư cho con cháu Việt Nam, chúng tôi mạo muội truyền bá công khai tư tưởng và hệ thống võ học bát đại tinh thông của Người. Những mong ở nơi chín suối, Người cũng vui lòng khi thấy ở đâu trên đất Việt cũng có người tiếp thu võ đạo mà Ngài dày công nghiên cứu sau bao năm vân du, để rồi ẩn dật tu hành.

Nam Mô A Di Đà Phật

Các Sư điệt kính viếng.

3. Học Võ Áo Vải như thế nào cho hiệu quả

Thường thì về phần nguồn gốc, người xưa ghi chép sơ sài, biên cho có lệ. Ngày nay thêm vào phần hoang đường để làm tăng giá trị môn phái, làm người học lạc giữa một rừng võ học mênh mông không biết đâu thật đâu giả. Nào là nghe nói, ngày xưa có ông nọ bà kia, nhờ học võ mà được như vầy… Do vậy, chúng tôi không vẽ ra các thuyết, là bỏ đi phần ngụy tạo, những mong chư vị cao minh lượng thứ.

Phần hiệu quả của việc tập luyện võ thuật, xin trích đoạn văn sau của Võ sư Từ Triết Đông nổi danh năm châu bốn bể:

+ Mới theo học quyền thuật, không cần phải tìm ngay những thầy võ giỏi nổi tiếng. Bởi vì các vị ấy thường cho mình có địa vị cao không hết lòng chỉ dạy. Ta nên tìm những võ sư có kỹ thuật thường thường thì rất dễ học hỏi. Ðợi đến khi bước đầu vững vàng, cơ sở thành tựu, ta nên tiến thêm mà cầu học ở các danh sư, xin họ chỉ dạy cho. Như vậy người theo học dễ lĩnh ngộ mà các danh sư cũng không ngại phiền nhiễu.

+ Ngày xưa những người học quyền thường coi trọng về thực nghiệm. Ngày nay lại viết sách, vẽ hình để làm sáng tỏ. Nhưng những người học quyền thuật đã có chỗ tâm đắc thì có thể nhìn hình vẽ mà tìm ra đầu mối, có thể phát kiến những điểm mới lạ. Ðến như kẻ chưa tập võ thì không thể làm như vậy được. Chẳng những người chưa học võ không thể làm được mà đến những người mới học cũng chưa thể tự tập được. Những người tu luyện về Ðạo gia thường nói: Có được bí quyết rồi mới về xem sách mà hiểu thêm được. Lời nói ấy thật đúng vậy. Công phu là do mình tự tập, còn pháp môn là nhờ thầy dạy cho. Tuy có thầy giỏi nhưng ta không gia công thì cái giỏi của thầy cũng không giúp gì cho ta được. Tuy không gặp được thầy giỏi nhưng ta cố gắng thì màu xanh thoát từ màu chàm nhưng lại đẹp hơn màu chàm (ý nói học trò học với thầy nhưng sẽ giỏi hơn thầy). Việc ấy thường có vậy. Hàn Dũ có nói: Ðệ tử không cần phải như thầy, thầy không cần phải hiền hơn đệ tử. Thật chí lý thay.

Vì lẽ trên, nên hệ thống võ học của chúng tôi mang tính thực chiến, đi từ căn bản đến công phu ảo diệu mà nửa đời người tu luyện không sao nói hết, càng học càng thấy cái thâm thúy của tinh hoa võ Áo Vải. Quý vị đang đọc những lời tâm sự này thì cũng hẳn nhiên đang đi tìm cái chân l‎ý để đạt được đến thành công võ học, thì đây, chúng tôi sẽ chỉ cho Quý vị chân lý mà suốt đời có người tìm mãi không ra:

1. Tập tuần tự từ thấp đến cao, không nóng vội.

2. Làm thế nào để thành công? Không gì ngoài chữ Nhẫn.

4. Kỹ thuật Võ Áo Vải

Hệ thống Võ Áo Vải mang nặng tính thực dụng, mỗi chiêu mỗi thức đều được phân thế trong chiến đấu nhằm phát huy tối đa đòn thế một cách hiệu quả. Bạn được rèn luyện một cách tổng hợp các kỹ năng thiên phú còn tiền ẩn trong người, khơi gợi nó dậy để phát huy bản thể: từ thân pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp, tâm pháp, …

Tinh hoa võ học Việt Nam, điều mà con nhà võ muốn đạt được đến cảnh giới cao cấp là “dĩ nhu thắng cương”. Trên cơ sở “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, muốn lấy nhu chế cương trước hết bạn phải biết thế nào là cương thì mới chế ngự được nó. Không hiểu, hoặc không biết, thì nhu của bạn không thể áp dụng, hoặc áp dụng cũng không đúng mục đích, mà đó chỉ là hình, chứ chưa kết hợp với ‎ý. Chúng tôi lấy ví dụ như thế này cho bạn dễ hiểu: khi bạn bị địch thủ tấn công bằng một đòn đá dũng mãnh, bạn phải hiểu được đòn đá đó được sinh ra lực từ đâu (gốc sinh lực), từ đó mà hóa giải bằng cội rễ. Đòn đá đó xuất phát từ hướng nào và sẽ đi về đâu, lúc ấy bạn lợi dụng lực sinh ra, thuận theo hoặc tận dụng nó để phản đòn mới hiệu quả. Nhiều người không hiểu được nguyên tắc này, nên trong chiến đấu áp dụng sai lệch:

+ Không hiểu nhu và cương, nên khi lâm trận, sử dụng cương lực để triệt tiêu cương lực. Trong những trường hợp như thế này, phần thắng dành cho những dân võ biền, chỉ biết dùng sức mạnh để áp đảo đối phương. Tuy chiến thắng, nhưng cũng trả giá đắt, đau đớn về thể xác bởi những va chạm mạnh trong chiến đấu.

+ Thường ngày chỉ tập luyện nhu thuật mà không hiểu nguyên tắc hình-‎ý hợp nhất, chỉ bắt chước các động tác bên ngoài mà không hiểu được bản chất bên trong, nên khi lâm trận, nhu này hoàn toàn đại bại vì quá yếu trước các đòn tấn công của địch thủ.

Do vậy, nhằm huấn luyện bạn đến một cảnh giới cao cấp trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, hệ thống Võ Áo Vải đi từ căn bản đến sự tinh túy, từ cách sử dụng cương lực đến nhu. Khi bạn đã nắm bắt được tất cả tinh hoa, trong chữ nhu võ thuật của bạn luôn ẩn chứa một nội lực đáng sợ trong lối đánh nhập nội (cận chiến).

Ở trình độ sơ đẳng, người học được tiếp thu kỹ thuật Cương Lực thông qua bài Thủ pháp với câu thiệu: “Thủ pháp tinh thông năng kiết lực, tinh thần sảng khoái tự thành công”. Đó là những đòn thế căn bản của võ học dân tộc, nghe qua thì có vẻ tầm thường, nhưng người tinh thông chỉ một thức cũng đủ để triệt hạ kẻ thù khi thuộc khẩu quyết: “nhanh, mạnh chính xác”. Thật không đơn giản chút nào. Thông minh, có căn bản chỉ trong vòng 10 ngày đã có thể nắm được bí quyết các thế đánh, người thường cố công tập luyện mất hơn 20 ngày cũng hiểu do tính nhẫn nại. Yếu quyết để nắm được vấn đề là ở chỗ sự Tận Tâm. Nếu bạn tận tâm tập luyện bạn sẽ thành công, càng lơ đãng sự thành công ngày càng xa vời. Sau khi tập xong bài Thủ pháp làm quen với võ Áo Vải, bạn sẽ hăng say tập luyện những bài quyền xưa nay hiếm gặp:

+ Thần đồng nhân quả: luyện để thân thể trở thành người mình đồng da sắc.

+ Hổ quyền: tập luyện thân pháp cơ bản mô phỏng bộ hổ chiến đấu.

+ Bát quái quyền: nổi danh giang hồ, xưa nay chỉ có các cao thủ chuyên luyện bởi tính hư thực. Sự biến hóa khôn lường của bát quái về phương vị là điều mà xưa nay ai cũng biết, quyền thuật cũng trên cơ sở “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Giai đoạn 1 là khó khăn với bạn, nó sẽ quyết định bạn tiếp tục học để thành công hoặc sẽ ngưng tập luyện vì thiếu tính kiên nhẫn. Nếu khó khăn mà bỏ dở, bạn đã phí đi thời gian, và công sức trong quá trình luyện tập trước đó. Bởi trong võ thuật, sự luyện tập kiên nhẫn sẽ làm tăng tiến trình độ của bạn. Nếu bạn luôn tâm niệm chữ Nhẫn, bạn không chỉ thành công trong võ thuật, mà trong các lĩnh vực khác trong cuộc đời bạn bạn cũng sẽ thành công.

Bên cạnh việc tập luyện quyền thuật, bạn còn được bổ trợ các bài đấu đối kháng: Cương đao, Phật Thủ, Nội chấn. Mỗi bài, Huấn luyện viên sẽ phân thế, phân tích cho bạn ý nghĩa thực dụng của từng đòn trong kỹ thuật chiến đấu. Học hết trình độ sơ cấp của Võ Áo Vải, bạn thật ngạc nhiên về sự hiểu biết của mình khi tinh thông quyền thuật, cách chế ngự đối thủ trong thời gian ngắn,…

Ở trình độ trung đẳng, người học ngoài việc rèn luyện quyền thuật, còn được truyền thụ kỹ thuật chiến đấu và thập bát ban binh khí. Ở giai đoạn này, môn sinh ngoài việc có căn cơ về gân, lực, biết phát huy sức mạnh đòn đánh cương lực, còn bắt đầu làm quen với kỹ thuật “nhu khắc cương” xưa nay vẫn là bí truyền trong dân gian. Các kỹ thuật tự vệ cao cấp được rèn luyện liên tục nhằm tạo tính phản xạ trong con người bạn với các đòn đánh liên hoàn. Những đòn thế tuyệt mật xưa kia không được phổ biến vì tính sát thủ, nay được công khai truyền lại cho môn đồ đam mê võ học và có đạo đức tốt như: mộc nhân hạng, bát bộ đồng nhân: Long, Báo, Xà, Hạc, Hổ, Hầu, Quy, Ưng.

Ở trình độ cao đẳng, môn sinh ngoài việc tập quyền thuật: Song long quá hải, Mãnh long tầm giang, Long lôi quyền, Tả hữu quyền pháp, Lung linh quyền… còn rèn luyện thêm nội công bao gồm: động công và tĩnh công. Cảm giác khi va chạm với các đòn đánh không làm người tập đau đớn bởi thần pháp hộ thân khi tập nội công. Tuy vậy, không phải ai cũng thích hợp để luyện được, mà phải có duyên giác ngộ mới hiểu được chân lý đả thông bát kỳ kinh mạch trong châu thân.

5. Đạo đức Võ Áo Vải

– Võ thuật không phải là phương thức giải quyết những mâu thuẩn cá nhân, mà nó chỉ là lối thoát cuối cùng khi không còn lối nào khác. Do vậy, Võ Áo Vải không tham gia vào ân oán cá nhân riêng tư của mỗi người. Môn sinh của Võ Áo Vải không dùng những gì mình học được để gieo rắc tội ác, làm tổn hại thanh danh võ cổ truyền Việt Nam.

– Đạo đức được đề cao. Không giúp cường hào ác bá, không mưu cầu phản bạn. Thấy chuyện bất bình ra tay tương trợ người cô thế.

Huế, ngày 18 tháng 02 năm 2011