Võ đạo là cái đạo của người học võ, cái đạo của con người sống trong trời, đất, được thể hiện một cách sinh động qua bản sắc văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế-xã hội và cốt cách con nhà võ, cùng với quá trình giáo dục, tự giáo dục, tu tâm, dưỡng tính gắn với các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng ngay từ lúc sinh ra đến khi nhắm mắt lìa đời.

Hơn thế nữa, võ đạo trong võ cổ truyền Bình Định được hun đúc qua bao đời và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được thể hiện khá rõ nét, cụ thể:

1. Truyền thống thượng võ, chống ngoại xâm

Mỗi con người chúng ta đều gắn liền với quê hương, xứ sở, luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, xứ sở mình, và đều mang trong mình dòng máu của cha ông, của dân tộc.

Mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm, thì mọi người già trẻ trai gái đều hăng hái tập luyện võ nghệ, sử dụng các loại binh khí, các miếng võ bí truyền và ai có súng dùng súng, ai không có súng thì gươm, giáo, mác, gậy, gộc, đồng lòng chung sức nhất tề đánh đuổi quân thù và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng, nhưng khi quân thù bại trận thì dân ta rất mực khoan hồng, độ lượng, hành sự đúng mực trượng phu.

Truyền thống đó được hun đúc qua 4000 năm lịch sử đấu tranh oanh liệt, chống ngoại xâm, chống bất công, áp bức, cường quyền, cùng nhau chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi, đoàn kết xây dựng cuộc sống và bảo tồn giống nòi Lạc Việt.

Từ đó, cho dù ở phương trời nào, chúng ta cũng nhớ về cội nguồn, tổ tiên, luôn tự hào về các bậc tiền nhân đã dày công dựng nước, giữ nước, đánh đuổi quân thù, thu phục giang sơn về một mối, trong đó có các võ quan, võ tướng, các võ sư, võ sĩ đã không tiếc máu xương vun đắp nên truyền thống võ hào hùng của dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn.

2. Truyền thống uống nước nhớ nguồn

Dân tộc ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Nhắc lại chuyện xưa: khi Nguyển Ánh lên ngôi, đã hủy diệt toàn bộ thành quả của nhà Tây Sơn, trong đó có sự nghiệp võ học lẫy lừng của nhà Tây Sơn, nhưng người dân Bình Định, nhất là các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhân sĩ, trí thức, các võ sư, võ sĩ, đã một lòng một dạ trung thành với những di sản và tinh hoa võ học chân truyền của nhà Tây Sơn, vẫn tôn thờ vị hoàng đế Quang Trung. Nhiều người khi được dụ hàng để được hưởng ân sủng, chức tước, bổng lộc của nhà Nguyễn, đều từ chối và quyết tâm chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng, lưu lại tiếng thơm cho muôn đời sau.

Nhiều nhà thi đỗ tiến sĩ, cử nhân võ nhưng không ra làm quan mà vẫn trung thành với “chủ cũ” đã tìm mọi cách để tập hợp tư liệu, biên soạn lại sách, giáo trình, các bài thiệu, các bài thuốc võ, bí mật truyền bá, lưu truyền cho các thế hệ mai sau, khỏi mất gốc, nhờ vậy, mà võ cổ truyền Bình Định không bị mai một, bế tắc mà còn ăn sâu bén rễ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của nhân dân Bình Định.

Người Bình Định, từ người có võ công cao cường, đến người hiểu biết võ nghệ chút ít đều luôn một lòng tôn kính giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng võ cổ truyền Bình Định, ra sức truyền bá và bảo tồn võ đạo, võ lý, võ y, võ thuật, võ nhạc và những tinh hoa độc đáo của tổ tiên, tiếp tục truyền lại cho các thế hệ mai sau.

3. Truyền thống võ sĩ đạo và trọng nhân nghĩa

Đây là truyền thống cực kỳ quý báu đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam, trong đó có người dân “đất võ”. Trong lĩnh vực võ học, người học võ trước tiên phải là người có bản lĩnh, luôn lấy tâm đạo để chế ngự tà đạo, phải có cốt cách diện mạo của con nhà võ. “Tâm đạo” là nói đến tu luyện tư duy đạo đức làm người, sống phải cao thượng, trung với nước, hiếu với dân. Trung thực với môn phái, truyền dạy những điều hay, việc nghĩa. Một võ sĩ chân chính là một công dân tốt. Còn “Tà đạo” là sự đam mê tửu sắc, dâm ô trụy lạc, rượu chè say sưa, gây lộn đánh người, phá rối xã hội, bất chấp kỷ cương phép nước. Đây là những điều cấm kỵ đối với môn sinh học võ cổ truyền Bình Định. Ngoài ra, người võ sĩ đạo còn phải được truyền thụ thuần thục về tâm pháp và thực hiện nghiêm túc những điều cần làm và cấm làm:

– Phải giữ gìn bản thân luôn trong sáng, thuần khiết.

– Phải chuyên cần tập luyện võ công suốt đời và trung thành với môn phái.

– Phải phát huy và truyền dạy võ công của môn phái theo “chính đạo”.

– Không phản thầy, hại bạn, hà hiếp người khác.

– Không khoe mình, chê người.

– Không có tư tưởng thắng thì làm “vua”, thua thì làm “giặc”.

Khi thâu nhận võ sinh, người thầy bao giờ cũng chú trọng tướng diện, cử chỉ, lời nói, cung cách xử sự, nhân thân, lai lịch của người học trò để truyền dạy hay từ chối không truyền dạy, hoặc chỉ truyền dạy một ít thảo thức thông thường (ngay cả người thân trong dòng họ cũng vậy). Sau khi được thử thách để tuyển chọn, môn sinh phải lễ cúng tổ và được thử thách về sức chịu đựng, sự kiên trì, gan dạ, về đạo đức, tư cách, về sự trung thành với môn phái, tuân thủ môn quy, đặc biệt là sự tôn sư trọng đạo. Lễ cúng tổ được tổ chức trang nghiêm và theo nghi thức võ cổ truyền Bình Định, người thầy đứng lên đọc văn tế ông Tổ nghề võ. Sau khi cúng Tổ, đệ tử làm lễ khởi động tay chân…

Người xưa thường nói: “Đệ tử tầm Sư dị, Sư tầm đệ tử nan” – người muốn học võ, nghe thầy giỏi tìm đến không khó; thầy muốn truyền dạy võ thuật cho đệ tử không phải dễ, bởi lẽ thầy phải “chọn mặt gửi vàng”, phải chọn người có đạo đức trong sáng, hành động đúng mực trượng phu.

Mỗi bài tập đều có phần “lễ Tổ” và “bái Tổ”. Bái Tổ chính là thể hiện sự tôn kính tổ tiên, môn phái, kính thầy, yêu quý đồng môn. Những người giỏi võ cuộc sống thường rất bình dị, tài võ nghệ chỉ tiềm ẩn bên trong con người giàu lòng vị tha, khiêm tốn, ít khi lộ diện ra bên ngoài. Ngoài ra, họ còn có các đức tính như: Tín-Nghĩa-Hiệp-Dũng, đây chính là tinh thần và mục đích của người võ sĩ đạo chân chính. Chữ “Tín” ở đây muốn nói lên từ cái tâm của con nhà võ, lời nói phải đi đôi với hành động, không đem võ ra “bán” theo dạng võ Sơn Đông. Không hại người, không ỷ mạnh hiếp yếu, luôn bảo tồn võ đạo, uy tín môn đồ, mọi việc đều xử sự một cách trong sáng, chính nghĩa, không làm điều phi nghĩa, thất nhân, thất đức – đó là “nghĩa”. Còn “hiệp”, “dũng” là những đức tính không thể thiếu được của con nhà võ, luôn sẵn sàng diệt gian, trừ ác, thấy sự bất bình không khoanh tay đứng nhìn.

Hay nói cách khác, ở Bình Định, học võ là để giữ thân, giữ nhà, cứu người, giúp đời khi cần thiết, người có võ công càng cao thì đức tính lại càng khiêm nhường, thường sống ẩn dật, không phô trương, kiêu ngạo, không đánh người “dưới ngựa” hoặc truy thù đến cùng, nhưng một khi đã ra đòn thì phải hạ thủ.

Nói tóm lại, võ đạo chính là đạo đức trong sáng, đức tính cao cả, tâm hồn hỷ xả của con người có võ, người có võ mà thiếu đạo đức thì sẽ trở thành một tai họa không thể lường hết được và sự nguy hại không những cho bản thân, gia đình mà cho cả xã hội nữa.

Chính vì vậy mà võ cổ truyền Bình Định luôn đặt vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc giáo dục, truyền thụ võ đạo lên hàng đầu trong toàn bộ sự nghiệp chấn hưng nền võ học chân truyền, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai góp phần hình thành con người mới phát triển toàn diện, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

 

Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định

Lần cập nhật cuối ( Chủ nhật, 18 Tháng 4 2010 11:51 )

Nguồn: http://vothuat360.com/