Võ thuật không chỉ là môn học về kỹ thuật luyện tập chiến đấu, không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là môn khoa học nữa. Bởi vì hình thức của nó được xây dựng từ các lý thuyết căn bản của khoa học tự nhiên như vật lý học, sinh học đồng thời nội dung của nó chứa đựng lý thuyết của khoa học xã hội như triết học, nhân văn….. Tính triết lý và nhân văn đó chính là nét để khu biệt võ thuật với các môn thể thao khác. Bởi lẽ người ta chỉ gọi là Nhu đạo (Judo), Không thủ đạo (Karate), Hiệp khí đạo (Aikido), Thái cực đạo (Teakowndo) chứ không ai gọi là bóng đá đạo, cầu lông đạo hay quần vợt đạo bao giờ cả. Chữ “Đạo” trong võ được xã hội hóa và ăn sâu trong máu thịt các dân tộc có nền võ học lâu đời như Nhật bản, Trung quốc, Triều tiên, Việt nam …… Như vậy, võ học được hình thành từ sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, tất cả mọi chuyển động cơ học của các kỹ thuật tay chân đều ngầm chứa nội dung mang tính đạo lý và nhân bản sâu sắc. Suy cho cùng, trong sâu xa võ có hai phần: thuật và đạo. Thuật chỉ đủ để giúp người ta biết võ. Còn đạo mới đưa người ta đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ. Đạo chính là đẳng cấp cao nhất mà người tập võ chân chính phải phấn đấu đạt đến.
Tiếng “Đạo“ của người phương Đông – nơi nhu cầu và tài nghệ con người được nghệ thuật hóa và triết học hóa tới cao độ. Quả thật, chưa có một từ ngữ tương đương nào của người phương Tây có thể dịch thoát, vì đạo ngoài ý nghĩa là “con đường“, là “thông lộ” còn bao hàm cả ý nghĩa về tôn giáo, luân lý và nghệ thuật. Ví dụ : Uống trà là nhu cầu thông thường, nhưng biết cách thưởng thức trà và những ý nghĩa thanh cao của việc uống trà kết bạn, giúp ích xã hội thì đó là Trà Đạo. Ngắm nghía và thưởng ngoạn hoa là thú vui thông thường trong cuộc sống, nhưng biết cách thưởng ngoạn như 1 nghệ thuật và nâng cao nữa về đạo lý giúp ích cho cuộc sống thì là Hoa đạo… vv…..
Khác võ thuật Trung Hoa cũng như Việt Nam nặng về xuất thế và cố giữ vị thế độc lập với chính trị, võ thuật Nhật Bản có truyền thống hội nhập ngay vào mọi sinh hoạt chính trị để hình thành một giai cấp trong xã hội Nhật Bản đó chính là tầng lớp Samourai (Võ Sĩ Đạo). Người Võ Sĩ Đạo được huấn luyện ngay từ nhỏ những kỹ thuật chiến đấu tay không và vũ khí rất lành nghề và quan trọng nhất vẫn là rèn luyện tinh thần Nhật Võ Đạo với những điều luật được ghi chép rõ ràng. Tinh thần đó tạo nên nét đặc trưng của người Võ Sĩ Đạo, bao gồm 5 đức tính tính chính (sự ngay thẳng, đức can đãm, lòng nhân từ, đức lễ phép, đức tự kiểm) và 3 đức tính phụ (đức vâng lời, đức trung tín, đức yêu việc).
Xưa nay các môn võ phương Đông dù khác nhau ở chiêu thức, nhưng đều có điểm giống nhau ở môn qui: không phản môn, phản thầy; không khoe tài, không ỷ lực hiếp người; không háo sắc, loạn dâm; không thắng vui, thua buồn… Tuy nhiên, người Nhật Bản có điểm khác biệt cơ bản các dân tộc ở quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Trung Quốc và nhất là tại các nước Tây phương, chính ở chỗ quan niệm về học võ của họ. Người Nhật Bản đến võ đường với mục đích cao quí là học tập và rèn luyện cái “Đạo” trong võ học, còn đòn thế và cách thi triển chỉ là thứ yếu. Trong khi ở Việt Nam người ta đi học võ với mục đích rất “tầm thường” và thiên về mục đích cá nhân. Họ đi học võ để tự vệ, học để giữ gìn sức khỏe bản thân, rèn luyện để chữa bệnh, để làm việc nghĩa hiệp bênh vực kẻ yếu, có khi chỉ vì bạn bè rủ rê cho vui ……“Trà như ẩn sĩ, rượu như hào sĩ, võ như lực sĩ. Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh, võ để luyện thần “
Người ta thường nói “võ nghệ “ hay “võ thuật” với hàm ý trong võ có nghệ thuật hay võ là một nghệ thuật đặc biệt nhằm chiến thắng hoặc chinh phục một đối thủ nào đó . Nhưng, người ta còn gọi là “võ đạo” , đó là một sự tôn xưng một khi võ thuật đã đạt được cái vi diệu, cái lẽ tối thượng của nó. Khi đó nó đã tự phát lộ được khả năng soi sáng, khả năng giác ngộ, để con người không chỉ vượt thắng đối thủ, vượt thắng ngoại giới, mà cái chính là “vượt thắng chính mình”, tự hoàn thiện nhân cách, tự soi sáng tâm linh mình qua một quá trình rèn luyện gian khổ, qua hành trên con đường chông gai để đạt tới đạo .Đạo ấy của võ cũng giống như đạo Thiền, là quá trình tự khai sáng. Tổ sư Phật giáo thiền tông Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) tương truyền vừa là người khai sáng đạo thiền vừa là người khai sáng môn võ Thiếu Lâm. Hành trình khai sáng ấy trải qua suốt 9 năm trời ông “diện bích” – quay mặt vào vách đá trong hang động trên đỉnh núi Tung Sơn để Tham Thiền nhập định, lấy cái tĩnh mở thông cho cái động, lấy sự tịnh tâm làm đích cho mọi hoạt động của mình sau này, dù đó là hoạt động tôn giáo hay võ thuật.
Có ai bước vào nghề võ mà không vài lần nghe thầy dạy bảo: “Khi mới học võ, tôi chỉ có mong muốn là nắm được đòn thế cao siêu. Lên được đai đen, đai đỏ, tôi lại muốn mình phải thật giỏi để đánh thắng người khác. Nhưng bây giờ, mục đích lớn nhất của tôi chính là phải chiến thắng chính bản thân mình”. Trên các bức tường của võ đường hay treo đại tự “Nhẫn”. Bởi chính đó là nền tảng hun đúc nên tinh thần thượng võ. Chuyện võ kể rằng: Có một đại cung thủ đã đạt đến mức độ thượng thừa có thể “bách bộ xuyên dương”, đi trăm bước ngoảnh đầu lại bắn trúng lá liễu. Cả đời cung thủ này chỉ có một tâm nguyện duy nhất là tìm người để được thua. Ngày kia, theo lời chỉ dẫn của giới võ lâm, anh quyết lên ngọn Hoa sơn thi thố tài năng với một đại sư lừng danh đã ẩn tu. Vị đại sư đồng ý cùng anh leo lên một mỏm đá cheo leo cao nhất. Giữa cuồng phong gào rít, cung thủ chỉ đứng không đã muốn té, nói gì giương cung, lắp tên thi bắn đại bàng. Cuối cùng anh chịu thua và chuyển cung cho vị đại sư trổ tài. Thật bất ngờ, đại sư lại vứt cung xuống vực rồi bình thản nói: “Tôi đã bỏ tiền ra mua được một con đại bàng thật đẹp, thì khổ chi phải leo lên tận đây chịu nguy hiểm để bắn nữa…”. Như tuyết rơi giữa mùa hè. Như tia chớp lóe sáng ngay buổi bình minh. Đầu óc cuồng mê bất bại của cung thủ ngỡ ngàng đại ngộ! Anh lặng lẽ xuống núi, bẻ cung, ngồi thiền và viết ra dòng chữ “Dụng ý bất dụng lực”.
Như vậy thì con đường cũa võ khá gần gũi và thân mật với con đường của người làm nghệ thuật, nó đều khởi từ tâm và qua một quá trình vận động lại trở về tâm, theo một đường xoáy trôn ốc nào đó. Có lẽ người điển hình cho sự hợp nhất hòa đồng giữa Đạo, Võ và Thơ là Lý Bạch. Là một thi hào bậc nhất , luôn đứng ở Top Ten các thi sĩ mọi thời đại, Lý Bạch cũng là một kiếm sỹ lừng danh , một đạo sỹ bí ẩn của Trung quốc.
Và cũng để nói rằng, ở đời tự vượt thắng mình là con đường gian khó biết bao, và con đường ấy dẫn tới “hòa nhi bất đồmg” – hòa mà không đồng – là dẫn tới những cá tính nghệ thuật của nghệ sỹ, dù là kiếm sỹ hay thi sĩ. Hòa với người, hòa với Đại Ngã, nhưng “bất đồng”– vẫn là mình như một cá tính sáng tạo, một cái gì không lặp lại, như những đường kiếm biến ảo, dù nó vẫn theo lực hướng tâm. Ngày nay, nhiều môn võ được đưa ra thi đấu quốc tế tranh thắng thua. Mặt tích cực của nó là giúp người luyện võ tinh thần phấn đấu, rèn luyện sức khỏe, võ thuật. Nhưng nếu chỉ chú tâm vào chiến tích thấy được, e dễ rơi vào cuồng vọng thắng người mà quên mất phải tự thắng chính mình, sự chiến thắng thượng thừa nhất của người luyện võ.
Nguồn sưu tầm